Xây dựng mô hình trồng cây Bạch đàn chanh (Eucalyptus citriodora Hook.f.) để khai thác phục vụ sản xuất tinh dầu tại tỉnh Phú Thọ.
Bạch đàn (Eucaliptus) là một chi thực vật thuộc họ Sim (Myrtaceae) có số lượng loài khá phong phú và đa dạng, hiện nay người ta đã xác định có khoảng hơn 500 loài Bạch đàn. Các loài Bạch đàn có kích thước rất đa dạng, nhưng đa số là cây thân gỗ có kích thước lớn. Trong phạm vi đề xuất nhiệm vụ này cần quan tâm đến loài Bạch đàn chanh có hàm lượng tinh dầu cao, tinh dầu có giá trị sử dụng để chăm sóc sức khỏe cho con người.
- Nguồn gốc, xuất xứ Bạch đàn chanh:
Bạch đàn chanh (Eucalyptus citriodora Hook.f.) dẫn giống bằng hạt về Miền Nam - Việt Nam từ thập niên 1950. Trước năm 1970 Việt Nam đã từng nhập trên 50 loài Bạch đàn vào khảo nghiệm. Từ những năm 1980 trở lại đây, đã có khoảng 200 xuất xứ của nhiều loài bạch đàn đã được các Dự án và các tổ chức quốc tế (UNDP, FAO, PAM, SIDA, SAREC, CSIRO...) cung cấp cho các khảo nghiệm và trồng rừng, trong đó có cả loài Bạch đàn chanh (Eucalyptus citriodora Hook.f.). Mục đích ban đầu của các khảo nghiệm để chọn các xuất xứ và các giống có khả năng sinh trưởng nhanh, năng suất gỗ cao phục vụ cho mục đích trồng rừng cung cấp gỗ nguyên liệu giấy sợi. Vì Bạch đàn chanh là cây sinh trưởng chậm hơn, cành nhánh nhiều nên các khảo nghiệm chọn giống lấy gỗvới cây Bạch đàn chanh không phù hợp, nên ít được sử dụng trong trồng rừng lấy gỗ ở các năm sau này.
- Đặc điểm khí hậu, đất đai phù hợp với việc phát triển cây Bạch đàn chanh lấy lá chưng cất tinh dầu:Tỉnh Phú Thọ là một tỉnh Trung du, miền núi Bắc Bộ, nằm trong vùng khí hậu nhiệt đới gió mùa, điểm nổi bật là mùa đông khô, lượng mưa ít, hướng gió thịnh hành là gió mùa Đông Bắc; mùa hè nắng, nóng, mưa nhiều, hướng gió thịnh hành là gió mùa Đông Nam. Nhiệt độ bình quân năm 230C, tổng lượng mưa trung bình từ 1.600 - 1.800mm/năm, độ ẩm không khí trung bình hàng năm 85 - 87%. Nhìn chung, khí hậu tỉnh Phú Thọ phù hợp cho sinh trưởng và phát triển đa dạng hóa các loại cây trồng nông nghiệp, lâm nghiệp và chăn nuôi gia súc (phutho.gov.vn).Diện tích rừng hiện nay của Phú Thọ nếu đem so sánh với các tỉnh trong cả nước thì được xếp vào nhóm những tỉnh có độ che phủ rừng lớn (42% diện tích tự nhiên). Theo thống kê của Tổng cục Lâm nghiệp năm 2021 thì tổng diện tích rừng trồng của tỉnh Phú Thọ có khoảng 122.029,8 ha, cơ cấu cây trồng lâm nghiệp chủ yếu gồm các loài keo, Bồ đề, Bạch đàn, Mỡ, Quế. Trong đó, diện tích đất Bạch đàn trồng rừng chủ yếu là cung cấp gỗ nhỏ làm dăm, giấy có tới 2.593,3 ha. Những diện tích này chủ yếu là các loại đất feralit phát triển trên các loại đá mẹ phiến thạch sét, granit, rhiolit, … lẫn sỏi đá từ 10-40%. Xuất phát từ quy hoạch của tỉnh Phú Thọ về phát triển nông, lâm, thủy sản đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030 với mục tiêu “Xây dựng nền nông nghiệp phát triển theo hướng hiện đại, bền vững, sản xuất hàng hoá lớn trên cơ sở phát huy các lợi thế so sánh về vị trí địa lý, tài nguyên thiên nhiên; ứng dụng công nghệ cao để tăng năng suất, chất lượng, hiệu quả và năng lực cạnh tranh; nâng cao hiệu quả sử dụng đất đai, nguồn nước, lao động và nguồn lực đầu tư; tăng nhanh thu nhập và mức sống của lao động nông thôn, gắn với thực hiện giảm nghèo bền vững”. Dự án: “Xây dựng mô hình trồng cây Bạch đàn chanh (Eucalyptus citriodora Hook.f.) để khai thác phục vụ sản xuất tinh dầu tại tỉnh Phú Thọ” được thực hiện nhằm phát huy tiềm năng, thế mạnh về phát triển cây lâm nghiệp có giá trị và bổ sung cơ sở khoa học, thực tiễn trong định hướng, thay đổi cơ cấu cây trồng, rút ngắn thời gian khai thác, tăng thu nhập cho người dân, phát triển kinh tế xã hội trên địa bàn tỉnh Phú Thọ và các tỉnh Trung du và miền núi phía Bắc có điều kiện tự nhiên tương đồng.Nhìn chung, đặc điểm khí hậu, đất đai phù hợp với đặc điểm sinh thái của một số loài bạch đàn nói chung và Bạch đàn chanh nói riêng. Hơn nữa, cây Bạch đàn chanh đã được trồng thử nghiệm thành công ở Đại Lải (Vĩnh Phúc), nơi có điều kiện tương đồng với tỉnh Phú Thọ. Nên việc phát triển cây Bạch đàn chanh để chưng cất tinh dầu ở Phú Thọ là phù hợp với điều kiện tự nhiên cũng như chủ trương cũng như quy hoạch phát triển rừng trồng kinh tế của tỉnh Phú Thọ.
Mục tiêu chung:
Xây dựng được mô hình trồng Bạch đàn chanh (Eucalyptus citriodora Hook.f.) có năng suất và chất lượng cao để khai thác lá phục vụ sản xuất tinh dầu tại tỉnh Phú Thọ.
Mục tiêu cụ thể:
- Xây dựng được mô hình trồng thâm canh cây Bạch đàn chanh có năng suất sinh khối lá và hàm lượng tinh dầu cao
- Xây dựng mô hình chiết xuất tinh dầu Bạch đàn chanh được thu hoạch từ mô hình trồng thâm canh tại tỉnh Phú Thọ
- Hoàn thiện hướng dẫn kỹ thuật trồng thâm canh, khai thác lá và chưng cất tinh dầu cây Bạch đàn chanh phù hợp với điều kiện của tỉnh Phú Thọ.
- Tập huấn kỹ cho 30-50 người nắm bắt được kỹ thuật trồng thâm canh, khai thác và chưng cất tinh dầu Bạch đàn chanh.
- Đăng được 01 bài báo trên tạp chí chuyên ngành hoặc 01 phóng sự truyền hình.